Lượt xem: 201

Sóc Trăng tập trung bảo vệ trà lúa Hè Thu trong điều kiện thời tiết bất lợi

Để đảm bảo an toàn cho thành quả sản xuất của bà con nông dân trước tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, thời gian qua, công tác bố trí lịch thời vụ được ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng đặc biệt chú trọng. Tuy vậy, diễn biến ngày càng bất thường của thời tiết khiến tình hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh gặp không ít khó khăn, trở ngại. Như vừa qua, ảnh hưởng từ cơn bão số 1 đã làm đổ ngã 2.727,4 ha lúa, diện tích lúa bị ngập úng là 2.218,2 ha.

 


Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh khảo sát tình hình thiệt hại trên trà lúa Hè Thu.

 

    Năm nay, diện tích xuống giống vụ lúa Hè Thu của thị xã Ngã Năm đạt 18.500 ha. Trong đó, có khoảng 50% diện tích đã được tiến hành thu hoạch từ trước bão số 1, phần diện tích còn lại thu hoạch vào đúng thời điểm bão số 1 đổ bộ. Mưa lớn kéo dài kèm theo gió mạnh ngay trong giai đoạn lúa trổ vàng đồng đã gây thiệt hại khoảng 2.600 ha trà lúa Hè Thu tại địa phương, làm giảm năng suất từ 30% trở lên. Đến thời điểm này, toàn thị xã đã thu hoạch được 87% diện tích, hiện vẫn còn gần 2.200 ha chưa thu hoạch. Trong đó, có 900 ha nằm trong trạm bơm và  khoảng 1.200 ha nằm ngoài trạm bơm. Đồng chí Hồng Minh Nhật - Trưởng Phòng Kinh tế thị xã Ngã Năm cho biết: “Năng suất lúa hiện đạt 5 tấn 2, giảm khoảng 0,5 tấn so với đầu kỳ thu hoạch. Hiện nay, do tiếp tục bị ảnh hưởng từ cơn bão số 2 nên nước trên đồng khá lớn. Để đảm bảo tiến độ thu hoạch, về phía địa phương cũng vận động bà con trong trạm bơm quyết liệt bơm ra ngay khi trời dứt mưa để thu hoạch. Riêng phần diện tích nằm ngoài trạm bơm chúng tôi cũng tích cực vận động bà con cùng hiệp lực, tập trung bơm tát bằng dụng cụ sẵn có để đẩy nhanh tiến độ thu hoạch, tránh ảnh hưởng năng suất”.

    Cũng là một trong những địa phương thuộc vùng trũng của tỉnh, tình trạng đổ ngã trên trà lúa Hè Thu tại huyện Mỹ Tú cũng là điều khó tránh. Tuy vậy, nếu năm rồi, diện tích đổ ngã đạt đến 10.000 ha, thì trong mùa vụ năm nay, phần diện tích này đã giảm chỉ còn 1.000 ha. Diện tích lúa bị ảnh hưởng mặc dù có sự sụt giảm về mặt năng suất, nhưng vẫn đảm bảo được lợi nhuận cho bà con nông dân. Hiện nay, 27 trạm bơm điện và 6 hệ thống cống lớn trên địa bàn đang được địa phương quan tâm vận hành, điều tiết liên tục để đảm bảo tiến độ thu hoạch cho khoảng 40% diện tích lúa còn lại trên đồng. Đồng chí Nguyễn Thanh Điền – Huyện ủy viên, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mỹ Tú cho biết thêm: “Mỹ Tú thuộc vùng trũng của tỉnh Sóc Trăng nên sản xuất vụ Hè Thu rất khó khăn. Tuy nhiên, thấy được cái khó trong những năm trước, năm nay địa phương đã chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, khuyến cáo nông dân xuống giống sớm hơn. Đặc biệt bà con nông dân áp dụng tốt biện pháp canh tác như “1 phải 5 giảm”, thực hiện cắt nước giữa vụ nên nền đất cứng, giúp tỷ lệ đổ ngã ít so với năm ngoái. Hiện nay huyện đã thu hoạch được hơn 13.000 ha, chiếm khoảng 60% diện tích, hiện đang tập trung thu hoạch ở các xã vùng cao như là: Mỹ Hương, năng suất lúa đạt gần 6 tấn/ha”.

    Đến nay, toàn tỉnh Sóc Trăng đã thu hoạch được 28.519 ha lúa Hè Thu trong tổng số 140.775 ha đã gieo sạ. Với những dự báo về diễn biến phức tạp của tình hình thời tiết, thủy văn trong thời gian tới, bên cạnh tăng cường khuyến cáo nông dân các giải pháp canh tác hiệu quả; để có sự chủ động hơn trước cao điểm mùa mưa bão, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cũng đã chỉ đạo đơn vị chuyên môn phối hợp chặt chẽ cùng các địa phương để tiến hành kiểm tra, rà soát lại hệ thống cống và kênh thủy lợi để chủ động điều tiết nước kịp thời, hạn chế thấp nhất thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là trên trà lúa Hè Thu đang thu hoạch và chuẩn bị thu hoạch. Đồng chí Phạm Tấn Đạo - Chi cục trưởng, Chi cục Thủy lợi tỉnh Sóc Trăng thông tin: “Để thực hiện chống ngập úng do mưa lớn, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã chỉ đạo bộ phận vận hành hệ thống công trình thủy lợi thực hiện tiêu nước cho bà con trên vùng Quản lộ Phụng Hiệp, phối hợp với cơ quan quản lý âu thuyền Ninh Quới của tỉnh Bạc Liêu để khắc phục được tình trạng ngập úng gây ảnh hưởng sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh trong thời gian diễn ra thời tiết khắc nghiệt”.

    Tình hình xuất khẩu gạo ổn định đã giúp giá lúa tại Đồng bằng sông Cửu Long liên tục tăng cao, nên khi “lúa ngả, ruộng lầy”, nông dân rơi vào tình cảnh bất an là điều dễ hiểu. Bởi một khi lúa ngập nước, hạt bắt đầu nảy mầm hoặc hư thối do nấm bệnh tấn công, chất lượng gạo kém đi, tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch là rất lớn. Vì vậy, bên cạnh các giải pháp đã được cơ quan chuyên môn khuyến cáo, bà con nông dân cần thường xuyên quan tâm theo dõi tình hình thời tiết, thủy văn để có sự chủ động tốt hơn trong quá trình lao động sản xuất, nhằm hạn chế những ảnh hưởng không mong muốn về hiệu quả kinh tế sau mỗi mùa vụ.

Ngọc Thơ



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 61
  • Hôm nay: 7998
  • Trong tuần: 78,705
  • Tất cả: 11,802,025